Trình tự, thủ tục phúc thẩm vụ việc dân sự mới nhất
Xét xử phúc thẩm là trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Như vậy, phúc thẩm chỉ xảy ra trong trường hợp có hành vi kháng cáo hoặc kháng nghị của chủ thể theo quy định của pháp luật.
I. Thủ tục phúc thẩm vụ án dân sự
– Kháng cáo, kháng nghị
Trong thời hạn cho phép các chủ thể có quyền nộp đơn kháng cáo, kháng nghị một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định chưa có hiệu lực của Tòa án cấp sơ thẩm.
Chủ thể kháng cáo: đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã khởi kiện vụ án.
Chủ thể kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có thẩm quyền nộp đơn kháng nghị.
– Chuẩn bị xét xử phúc thẩm: trong thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm 02 tháng, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền ban hành các quyết định sau đây: tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án, đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
– Phiên tòa phúc thẩm: trường hợp đơn kháng cáo, kháng nghị toàn bộ bán án, quyết định thì Tòa án phúc thẩm có quyền xét xử toàn bộ, nếu đơn kháng cáo, kháng nghị một phần bản án, quyết định thì Tòa án xét xử trong phạm vi yêu cầu. Phiên tòa phúc thẩm về hình thức được tiện hành theo trình tự: Thủ tục bắt đầu, tranh tụng tại phiên tòa, nghị án, tuyên án.
II. Thủ tục phúc thẩm việc dân sự
Cũng như phúc thẩm vụ án dân sự thì phúc thẩm việc dân sự đặt ra khi có đơn kháng cáo, kháng nghị.
– Kháng cáo, kháng nghị: trong khoảng thời hạn nhất định kể từ ngày có quyết định của Tòa án, người yêu cầu, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo; Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền nộp đơn kháng nghị với quyết định sơ thẩm giải quyết việc dân sự.
– Chuẩn bị kháng cáo, kháng nghị: Trong thời hạn chuẩn bị xét kháng cáo, kháng nghị, Tòa án tiến hành các công việc sau đây:
+ Trường hợp xét thấy tài liệu, chứng cứ chưa đủ căn cứ để Tòa án giải quyết thì Tòa án yêu cầu đương sự bổ sung tài liệu, chứng cứ trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án;
+ Trường hợp đương sự có yêu cầu hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ; triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá. Nếu hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này mà chưa có kết quả giám định, định giá thì thời hạn chuẩn bị xét kháng cáo, kháng nghị được kéo dài nhưng không quá 15 ngày;
+ Trong thời hạn chuẩn bị xét kháng cáo, kháng nghị, nếu tất cả người kháng cáo rút đơn kháng cáo, Viện kiểm sát rút kháng nghị thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc xét đơn yêu cầu theo thủ tục phúc thẩm. Trong trường hợp này, quyết định giải quyết việc dân sự theo thủ tục sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ;
+ Quyết định mở phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự.
Phiên họp phúc thẩm: sau quá trình thực hiện các bước tại phiên họp phúc thẩm, Hội đồng phúc thẩm quyết định một trong các trường hợp sau: giữ nguyên Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, sửa Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, hủy Quyết định của Tòa án sơ thẩm và chuyển hồ sơ, hủy Quyết định và đình chỉ giải quyết việc dân sự, đình chỉ giải quyết việc xét đơn yêu cầu nếu có việc rút đơn kháng cáo, kháng nghị.