0Bình luận

Trường hợp nào được rẽ phải khi thấy đèn đỏ?

Theo điểm b khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tín hiệu đỏ là cấm đi. Theo đó, khi thấy đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ, người tham gia giao thông phải dừng xe trước vạch dừng. Nếu không có vạch dừng thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi.

Dẫu vậy, trong một số trường hợp sau đây, người điều khiển phương tiện vẫn được phép rẽ phải khi gặp đèn đỏ:

(1) Có hiệu lệnh cho phép rẽ phải của Cảnh sát giao thông.

Khi đồng thời có các hình thức báo hiệu khác nhau là đèn tín hiệu, biển báo, vạch kẻ đường và người điều khiển giao thông ở cùng một khu vực, người tham gia giao thông phải ưu tiên chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông đầu tiên.

(2) Đèn báo hiệu hình mũi tên cho phép rẽ phải được lắp đặt kèm theo đèn tín hiệu giao thông chuyển màu xanh.

Lưu ý: Phải nhường đường cho các loại phương tiện đi từ các hướng khác đang được phép đi.

(3) Có biển báo phụ cho phép rẽ phải khi đèn đỏ.

 Lưu ý: Phải nhường đường cho người đi bộ.

(4) Có vạch mắt võng bố trí ở làn đường trong cùng bên phải.

(5) Có tiểu đảo phân luồng cho phép rẽ phải trước khi đến đèn tín hiệu giao thông.

Không được phép mà rẽ phải khi đèn đỏ bị phạt bao nhiêu?

Nếu không có các dấu hiệu đã nêu ở phần trước mà cố tình rẽ phải khi gặp đèn đỏ, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức phạt đối với từng loại phương tiện được quy định như sau:

– Xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: phạt tiền 04 – 06 triệu đồng, phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng (Căn cứ: Điểm a khoản 5 và điểm b khoản 11 Điều 5)

– Xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy: phạt tiền 800.000 đồng – 01 triệu đồng, phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng (Căn cứ: Điểm e khoản 4 và điểm b khoản 10 Điều 6)

– Máy kéo, xe máy chuyên dùng: phạt tiền 02 – 03 triệu đồng, phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (xe máy chuyên dùng) từ 01 – 03 tháng (Căn cứ: Điểm đ khoản 5 và điểm a khoản 10 Điều 7)

– Xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), xe thô sơ khác: phạt tiền 100.000 – 200.000 đồng (Căn cứ: Điểm đ khoản 2 Điều 8).

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm là mức trung bình của khung phạt tiền.

Trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, người vi phạm sẽ được áp dụng mức tối thiểu. Còn nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, người vi phạm sẽ bị áp mức tối đa của khung tiền phạt.

Ý kiến