Ưu điểm và hạn chế trong tính cách con người Việt Nam
Người Việt Nam được thế giới biết đến là những con người giản dị, thân thiện, cần cù, chất phác và giàu lòng nhân ái. Nhưng cùng với đó, người Việt ta cũng có những nhược điểm trong tính cách của mình. Việc xác định đúng và đầy đủ các đặc điểm trong tính cách của con người Việt Nam giúp ta nhìn nhận được một cách toàn diện, từ đó phát huy những ưu điểm và khắc phục những hạn chế.
1. Cơ sở hình thành những nét tính cách của người Việt Nam
– Nước ta có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, hình thành nên nền văn minh lúa nước dọc theo các châu thổ con sông lớn như sông Hồng, sông Mã, sông Lam, sông Cửu Long,…
– Tính cộng đồng và tính tự trị trong văn hóa làng xã của người Việt Nam.
2. Tính cách của con người Việt Nam
– Khả năng đối phó rất linh hoạt với mọi tình thế và lối ứng xử mềm dẻo: phẩm chất này có được từ hai yếu tố điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế- xã hội. Do điều kiện tự nhiên tuy thuận lợi nhưng cũng theo đó là nhiều khó khăn, thiên tai, hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra, đòi hỏi người Việt phải ứng xử một cách linh hoạt và thông minh trước những tình huống xảy ra bất ngờ. Phẩm chất này còn áp dụng trong văn hóa giao tiếp của người Việt Nam, được ông cha ta đúc kết qua các câu ca dao, tục ngữ như “ lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay “ đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”.
– Tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng để tạo nên sức mạnh vượt qua khó khăn thử thách: tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam đã có từ rất lâu, nó hình thành từ nhu cầu hợp sức giữa các bộ lạc để chống giặc ngoại xâm, thiên tai, lũ lụt, tinh thần ấy còn tồn tại đến ngày nay và trở thành một giá trị của văn hóa Việt Nam, nó tạo ra sức mạnh giúp dân tộc Việt Nam vượt qua khó khăn thử thách. Điều này được minh chứng qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, từ thời Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Nhà Đinh, nhà Lí, nhà Trần,… và gần đây nhất là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ của dân tộc ta. Mỗi khi quân giặc sang xâm lược, chúng đều vấp phải tinh thần kháng cự mạnh mẽ và quyết liệt của nhân dân ta, chúng thất bại là vì chúng không chỉ đối đầu với quân đội nhân dân Việt Nam mà chúng phải đối đầu với toàn dân tộc Việt Nam, tinh thần ấy như Bác Hồ đã viết trong “ Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” như sau : “ Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Từ khi đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước”. Hay như những khẩu hiệu “ đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, “ đoàn kết là sức mạnh của toàn dân” vẫn được nêu lên và thực hiện trong đời sống hằng ngày.
– Giản dị, chất phác, ưa đơn giản, ghét cầu kỳ, xa hoa: nói đến người Việt Nam là nói đến sự giản dị, chất phác, ưa đơn giản, ghét cầu kì xa hoa. Tà áo dài của người phụ nữ Việt Nam, hay chiếc áo bà ba đặc trưng của người dân Nam Bộ là những nét đẹp đặc trưng cho sự giản dị, đơn giản và cần thiết, không cầu kì như Kimono của Nhật Bản, Hanbok của Hàn Quốc. Làm việc quanh năm vất vả với ruộng đồng, năng suất lao động không cao nên người Việt Nam đã quen với lối sống giản dị, ưa đơn giản, “ ăn cần ở kiệm” hay “ ăn lấy chắc, mặc lấy bền” ( chỉ cần có ăn, không cần ăn những món xa hoa, chỉ cần có đồ mặc, không cần đồ đẹp đẽ, sang trọng).
– Tấm lòng rộng mở và giàu cảm xúc lãng mạn : người Việt Nam có tinh thần tương thân tương ái, giàu lòng vị tha, đây là đặc trưng gắn với tính cộng đồng trong văn hóa làng xã của người Việt Nam. Những cảm xúc lãng mạn của người Việt Nam bắt nguồn từ lối sống hòa mình với thiên nhiên, gắn liền với thiên nhiên, sự lãng mạn giàu cảm xúc đó được thể hiện trong kho tàng ca dao, tục ngữ của dân tộc Việt Nam. Từ những sinh hoạt đời sống thường ngày, qua cái nhìn hài hước dí dỏm và lãng mạn, người Việt đã đưa nó vào thơ ca
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà….
– Cần cù, chịu thương chịu khó, giỏi chịu đựng gian khổ: đặc tính cần cù, chịu khó là giá trị mang tính cố hữu của con người. Nhưng ở Việt Nam, đặc tính này đã trở thành giá trị văn hóa truyền thống, một giá trị riêng biệt không nhầm lẫn với một quốc gia nào. Là một nước thuần nông nghiệp, quanh năm làm việc với ruộng nương “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, đòi hỏi người dân phải chịu đựng được gian khổ và làm việc hết sức, cùng với đó là điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, hạn hán, lũ lụt, bão lớn thường xuyên xảy ra. Các cuộc chiến tranh xâm lược diễn liên miên, chúng ta đều phải đối mặt với nhiều kẻ thù lớn, sừng sỏ như quân Nguyên- Mông , quân Minh- Thanh hay gần đây nhất là thực dân Pháp và đế quốc Mĩ hùng mạnh. Lúc khó khăn đó, chính sự cần cù, chịu khó của nhân dân đã góp phần làm nên những chiến thắng lịch sử hào hùng của dân tộc.
– Trọng tuổi tác, trọng người già: do là một đất nước nông nghiệp, nên việc dự báo các hiện tượng tự nhiên có liên quan đến mùa màng là rất quan trọng, vì thế những người lớn tuổi là người đi trước, có nhiều kinh nghiệm rất quan trọng, thể hiện qua các câu ca dao như “ yêu trẻ, trẻ đến nhà, kính già già để tuổi cho” hay “kính lão đắc thọ”. Hàng năm ở các nơi trên đất nước thường tổ chức những buổi mừng thọ cho các cụ ông, cụ bà vào các dịp đầu xuân, thể hiện sự kính trọng và biết ơn của con cháu cũng như của người dân với những người cao tuổi.
– Nhân ái, vị tha và rộng lượng: lòng nhân ái là một phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam từ xưa đến nay. Lòng nhân ái đó chính là tình yêu thương con người, “thương người như thể thương thân”, “ lá lành đùm lá rách”. Truyền thống này phát sinh từ cuộc sống của người Việt cổ và phát triển theo tiến trình lịch sử của dân tộc, thể hiện rõ nét trong quá trình lao động, học tập và chiến đấu. Vị tha và rộng lượng là một biểu hiện của tinh thần nhân đạo, cao thượng và yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Rất nhiều cuộc chiến tranh xâm lược, kẻ thù đối xử với chúng ta rất tàn nhẫn như cướp bóc, giết người, đốt phá làng mạc,… nhưng sau tất cả, chúng ta vẫn khoan dung và tha thứ cho họ. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh cuối năm 1427, đội quân xâm lược nhà Minh bị vây chặt trong thành Đông Quan như “cá nằm trên thớt”. Trong bối cảnh đó, nghĩa quân Lam Sơn hoàn toàn có thể tấn công tiêu diệt chúng. Lê Lợi (Lê Thái Tổ) đã ân nghĩa, tha chết cho 100.000 quân xâm lược, thể hiện sự khoan dung, “ đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại ”. Hay như sự việc chúng ta thả nhiều tù binh Mỹ bắt giữ được trong chiến tranh cũng khiến cả thế giới khâm phục lòng vị tha của con người Việt Nam.
– Tập tính kém hạch toán, không quen lường tính xa: do nước ta có nền văn minh lúa nước, nên tính cách này của người Việt Nam ảnh hưởng bởi cây lúa. Lúa là loại cây trồng theo mùa vụ trong một năm có 2 vụ là vụ mùa và vụ chiêm, điều đó làm cho người nông dân không cần lường tính xa, dần dần dẫn đến tập tính này của người dân.
– Tác phong tùy tiện, kỷ luật không chặt chẽ: như đã nói ở trên, lúa là cây trồng có tính mùa vụ, nên người dân hình thành thói quen ra đồng sớm hoặc muộn tùy thích. Hôm nay khỏe có thể dậy sớm làm cả ngày, mai mệt có thể nghỉ, làm ít hay làm nhiều tùy thích. Người nông dân có thể đang làm dở hôm nay nhưng ngày mai gia đình có việc như cưới hỏi, ngày giỗ,… thì họ có thể nghỉ mà không cần sự cho phép bất kì ai. Không ai có thể quản được công việc của họ. Dần dần thói quen ấy đi sâu vào tiềm thức của con người Việt Nam ta gây nên những hiện tượng như “ nước đến chân mới nhảy” , nay không làm thì mai làm, mai không làm thì ngày kia có thể làm.
– Tâm lý bình quân chủ nghĩa: tư tưởng bình quân chủ nghĩa vốn là hậu quả của cơ chế phân phối theo kiểu bình quân chủ nghĩa trong cơ chế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp. Những biểu hiện này đã và đang xuất hiện trong điều kiện công cuộc đổi mới được triển khai trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội với nhiều thành tựu quan trọng, xong cũng không ít hạn chế, khuyết điểm đáng lo ngại, trong bối cảnh đất nước vừa có thời cơ, vận hội lớn, vừa đứng trước thời cơ và thách thức nghiêm trọng. Thực chất của tâm lí này là chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh. Theo Bác Hồ, không được lẫn lộn giữa bình quân chủ nghĩa và đồng cam cộng khổ: “ Bình quân chủ nghĩa là gì? Là cũng như ai, bằng nhau hết. Ví dụ như Bác yếu chỉ ăn ba bát cơm, chú khỏe nhiều hơn nữa cũng ăn ba bát, chú lùn cũng đòi may áo dài, Bác cao hơn cũng mặc áo dài như chú.”
– Nặng tình nhẹ lý, chín bỏ làm mười: lối ứng xử này trở thành nguyên tắc cơ bản chi phối, điều tiết các mối quan hệ khiến cho việc ứng xử trở nên chủ quan và thiếu nguyên tắc. Đặc điểm này được thể hiện qua các câu thành ngữ như “ một bồ cái lí không bằng một tí cái tình”, “ yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau củ bồ hòn cũng méo”.
Việc xử lí các công việc thiếu tính nguyên tắc, tùy tiện là một điều tất yếu. Truyền thống này làm cho người Việt Nam ta cư xử một cách thiếu công bằng và khách quan trong công việc. Ở nước ta, hiện tượng “ một người làm quan, cả họ được nhờ”, truyền thống cả gia đình đều làm quan, vì kiêng nể nhau nên xảy ra nhiều vụ việc tham ô, tham nhũng, chạy chức chạy quyền gây nhức nhối trong xã hội. Vì vậy, tính cách này cần được khắc phục, nhất là trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
– Tâm lý sống lâu lên lão làng, đề cao chủ nghĩa kinh nghiệm: đề cao chủ nghĩa kinh nghiệm, “ trăm hay không bằng tay quen”, cung cách ấy dẫn đến sự bảo thủ và trì trệ, chỉ tập trung đi vào con đường cũ mà không tiến tới sự tìm tòi, sáng tạo ra cái mới. Chính chủ nghĩa này đã dẫn đến triết lí “ ông bảy mươi học ông bảy mốt”, củng cố vững chắc trật tự “ lão quyền” để duy trì phương châm “ sống lâu lên lão làng”. Đó là một sự cản trở thế hệ sau thoát khỏi “ ao tù nước đọng”, triệt tiêu mọi khát vọng vươn lên trên mặt nước ao tù nước đọng để khai thông dòng chảy. Trong quá trình hội nhập sâu rộng như hiện nay, chúng ta phải tìm tòi, sáng tạo ra cái mới, chỉ tiếp thu những kinh nghiệp phù hợp và quý quá, vận dụng nó để sáng tạo ra những giá trị mới cho cuộc sống.
– Tư tưởng bảo thủ đóng cửa, tự thu xếp mọi việc, không cầu thị: tư tưởng này bắt nguồn từ tính tự trị trong văn hóa làng xã của người Việt Nam. Bản chất của tính tự trị là âm tính , hướng nội, sống tự lập , tự cung tự cấp trong phạm vi làng mình. Do đó cũng hình thành trong người dân lối sống bảo thủ đóng cửa , tự thu xếp công việc. Tính không cầu thị của người Việt Nam cũng bắt nguồn từ tính tự trị này, con người chỉ nấp sau lũy tre làng, không vươn ra ngoài để biết được những cái hay, cái mới. Đời sống của nhân dân còn vô cùng khó khăn nên họ chỉ mong được đủ ăn, đủ mặc mà không đòi hỏi cái khác, “ ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” . Lối sống này cần phải thay đổi vì nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành đất nước phát triển nên cần những nhân tài đóng góp cho đất nước, những người đó phải là những người cầu thị, có tầm nhìn xa trông rộng và biết lắng nghe, tiếp thu những cái mới mẻ, có như vậy đất nước mới phát triển nhanh được.
Tư liệu Tham khảo:
1.TS. Phạm Thái Việt, TS Đào Ngọc Tuấn, Đại cương văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa- Thông tin, tr75-89.
2. Trần Quốc Vượng (chủ biên), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
Hoàng Minh Hòa