Ví dụ minh họa về các hình thức thực hiện pháp luật
Thực hiện pháp luật là hành vi của chủ thể (hành động hoặc không hành động) được tiến hành phù hợp với quy định, với yêu cầu của pháp luật, tức là không trái, không vượt quá khuôn khổ mà pháp luật đã quy định.
Các hình thức thực hiện pháp luật
Có 4 hình thức thực hiện pháp luật cơ bản sau đây:
(1) Tuân thủ pháp luật:
Là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật kiềm chế không tiến hành những hoạt động mà pháp luật cấm.
Ví dụ: Pháp luật cấm hành vi mua, bán dâm. Do đó, “không thực hiện hành vi mua, bán dâm” được xem là tuân thủ pháp luật.
(2) Thi hành pháp luật:
Là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình bằng hành động tích cực.
Ví dụ: Pháp luật quy định về nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cá nhân/ thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, nếu không thuộc trường hợp miễn thuế/đối tượng không chịu thuế thì chủ thể đóng thuế được xem là “thi hành pháp luật”.
(3) Sử dụng pháp luật:
Là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện quyền chủ thể của mình (thực hiện những hành vi mà pháp luật cho phép).
Ví dụ: Khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị B xâm phạm, A có quyền khởi kiện B ra tòa án vì pháp luật trao cho A quyền được khởi kiện B ra tòa án có thẩm quyền. Khi đó, A được xem là đang “sử dụng pháp luật”.
(4) Áp dụng pháp luật:
Là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc nhà chức trách tổ chức cho các chủ thể pháp luật thực hiện những quy định của pháp luật, hoặc tự mình căn cứ vào những quy định của pháp luật để tạo ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt những quan hệ pháp luật cụ thể.
Ví dụ: Khi A khởi kiện B ra tòa, tòa án đó có trách nhiệm xem xét và thụ lý đơn khởi kiện của A. Theo đó, tòa án được xem là cơ quan “áp dụng pháp luật”.