Vì sao nhà nước ra đời là một tất yếu khách quan?
Sự ra đời của nhà nước chứng tỏ rằng nhà nước không phải là cơ quan điều hòa mâu thuẫn giai cấp. Ngược lại, nó xuất hiện là do mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc, không thể điều hòa.
Giai cấp bóc lột không thể duy trì địa vị bóc lột nếu không dựa vào bộ máy bạo lực làm bộ phận chủ yếu của nó là những đội vũ trang đặc biệt dùng để trấn áp giai cấp bị bóc lột.
Trong điều kiện đấu tranh giai cấp đã trở nên gay gắt, chế độ nhân dân tự tổ chức thành lực lượng vũ trang không còn thích hợp. Nó phải được thay thế bằng thiết chế nhà nước.
Nếu không có nhà nước – một tổ chức bạo lực chuyên được dùng để trấn áp – thì giai cấp thống trị không thể duy trì được ách áp bức, bóc lột của mình đối với giai cấp bị trị.
Như thế, sự ra đời của nhà nước là một tất yếu khách quan để “làm dịu” sự xung đột giai cấp, để cho xung đột ấy diễn ra trong vòng “trật tự” nhằm duy trì chế độ kinh tế, trong đó giai cấp này được bóc lột giai cấp khác.
Đương nhiên, trên cơ sở của tính tất yếu nói trên, lực lượng lập ra và sử dụng bộ máy nhà nước phải là giai cấp có thế lực nhất.