Xây dựng thang bảng lương theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP
Mẫu thang bảng lương là quy chuẩn để doanh nghiệp thực hiện kê khai hệ thống lương. Thang lương được xây dựng có các bậc lương, ngạch lương, được thiết kế thành hệ thống nhằm làm cơ sở trả lương cho người lao động. Doanh nghiệp trả lương cho nhân viên dựa trên năng lực, chức vụ của mỗi nhân viên tương ứng với thang lương đã lập trước đó.
Khi xây dựng thang, bảng lương thì người sử dụng lao động chỉ phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.
Vừa qua, Chính phủ đã có Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ 01/7/2022 cụ thể như sau:
– Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng.
– Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng.
– Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng.
– Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022 sẽ áp dụng theo quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP nên bắt buộc các doanh nghiệp phải xây dựng lại thang lương, bảng lương mới để phù hợp với quy định nêu trên.
Khi xây dựng thang lương, bảng lương mới, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý các vấn đề sau đây:
(i) Mức lương thấp nhất trong thang lương, bảng lương
Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:
– Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;
Do đó, khi xây dựng thang lương, bảng lương cho người lao động, mức lương thấp nhất phải bằng mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP.
(ii) Tuân thủ quy định về tiền lương tại Bộ luật lao động 2019
Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.
(iii) Thiết lập các bậc lương trong thang lương, bảng lương
* Đối với các công việc không cần qua đào tạo nghề như tạp vụ, bảo vệ thì Bậc 1 sẽ không thấp hơn:
– Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng.
– Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng.
– Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng.
– Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng
* Đối với các công việc cần qua đào tạo nghề thì Bậc 1 sẽ không thấp hơn:
– Vùng I: 5.007.600 đồng/tháng.
– Vùng II: 4.451.200 đồng/tháng.
– Vùng III: 3.894.800 đồng/tháng.
– Vùng IV: 3.477.500 đồng/tháng
* Từ Bậc 2 trở đi:
Hiện nay theo quy định mới thì việc xác định các Bậc lương do doanh nghiệp tự lập, không như trước đây theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP thì yêu cầu khoảng cách giữa các bậc phải ít nhất là 5%.